Gia Lai nâng cao chất lượng cà phê

Cập nhật 16/4/2021, 09:04:44Từ những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, cà phê Robusta (cà phê vối) đã được trồng trên đất Gia Lai. Mặc dù được trồng sau cà phê Arabica (cà phê chè), Liberica (cà phê mít) nhưng cà phê Robusta với sự thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cao nguyên Gia Lai nên nhanh chóng tăng về quy mô diện tích, cho năng suất vượt trội, đứng nhất nhì ở khu vực Tây Nguyên, hàng năm đóng góp sản lượng đáng kể cho hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng cà phê đang được doanh nghiệp, người dân tại tỉnh Gia Lai chú trọng thực hiện.

6 ha cà phê của gia đình anh Nguyễn Văn Hân được trồng từ năm 1996, với giống cà Robusta sẻ. Giống cà phê này cho hương vị đậm đà, vì vậy anh Hân không tái canh mà đầu tư chăm sóc theo hướng hữu cơ để đảm bảo năng suất cây trồng. Để cây phát triển ổn định, anh tập trung chăm sóc cây bằng cách nuôi chồi mới, nuôi thân, tỉa cành già. Đồng thời, chú trọng nguồn nước và xử lý đất hạn chế sâu bệnh cho cây trồng để nâng cao chất lượng trái cà phê khi thu hoạch. Tuy nhiên, những năm gần đây giá cà phê xuống khá thấp thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng đáng kể, vì vậy anh Hân tự mày mò, học hỏi để rang xay, chế biến cà phê bán ra thị trường.

Anh Nguyễn Văn Hân – Xã Ia Lang, huyện Đức Cơ cho biết:  “Trước đây tôi là một người lái xe dịch vụ cho nên tôi được đi rất là nhiều nơi, tôi đã được học hỏi và được xem người ta làm cà phê chất lượng cao. Từ đó, tôi nảy sinh ra ý tưởng áp dụng cà phê chất lượng cao trên địa phương mình và chính với gia đình nhà mình. Trên diện tích 6 ha tôi đưa vào hái và sơ chế chất lượng cao. Ví dụ như Naturel và Honey sau đó là rang xay rồi đem bán ra thị trường.”

Để có được sản phẩm cà phê chất lượng cao, nhiều nông dân đã thực hiện theo từng công đoạn như: Cà phê được thu hoạch đảm bảo chín 80%, được phơi trên dàn để đảm bảo nhân chất lượng cao. Đồng thời, đầu tư máy móc rang xay cà phê nguyên chất, không sử dụng các chất phụ gia trong quá trình rang làm mất đi hương vị vốn có.

Ông Lê Hữu Anh – Giám đốc HTX doanh nghiệp và dịch vụ Lam Anh cho biết: “Bà con canh tác theo định hướng sạch, loại bỏ dần thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, tăng lượng hữu cơ lên để đảm bảo vùng nguyên liệu cho chất lượng tốt nhất. Bắt buộc phải thay đổi quy trình canh tác sang canh tác cà phê chất lượng cao để chất lượng sản phẩm được cao nhất”.

Với lợi thế là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, có những ưu thế đặc trưng về điều kiện tự nhiên, Gia Lai không những là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt, mà còn tạo nên hạt cà phê chất lượng cao, hàm lượng cafein cao, tạo ra hương vị khác biệt nhiều so với nhiều vùng đất khác. Hiện nay, trên 90% sản lượng cà phê Gia Lai sau thu hoạch chỉ được đưa vào chế biến dưới dạng cà phê nhân, sau đó được xuất khẩu hoặc bán cho các công ty sản xuất, xuất khẩu trong nước. Để thúc đẩy ngành hàng cà phê phát triển, tỉnh đã xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất, đổi mới công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến sâu. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình tái canh cây cà phê với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê trong thời gian tới.

 Ông Nguyễn Tấn Công – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa nói: “Khi áp dụng KHCN vào sản xuất giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, giảm được lao động, nâng cao năng suất. Với công nghệ xuất khẩu trực tiếp được, mang lại giá trị kinh tế rất lớn, có thể bỏ qua nhiều khâu trung gian và nhiều chi phí khác mang lại lợi ích cho người nông dân”.

Cà phê Robusta được trồng và sản xuất tại Gia Lai có chất lượng được đánh giá là đặc trưng, tạo nên danh tiếng trên thị trường. Để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cà phê, các ngành chức năng, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ đang tiến hành hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, chứng nhận nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Trên cơ sở về các điều kiện địa lý; danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm; mối liên hệ giữa điều kiện địa lý với danh tiếng, chất lượng đặc thù của sản phẩm… thì cà phê Gia Lai hoàn toàn đủ điều kiện để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong thương mại thế giới, giúp thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực địa phương nhằm phát triển các vùng lãnh thổ và hệ thống sản xuất nông thôn trong bối cảnh toàn cầu hóa góp phần chống lạm dụng và gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Cường – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai cho biết: “Chuẩn bị các nhãn hiệu như chứng nhận hàng hóa rồi nhãn hiệu chứng nhận tập thể rồi chỉ dẫn địa lý thì Sở Khoa học đã chuẩn bị không những về các căn cứ pháp lý mà còn khảo sát thực tế của các công ty để khảo sát rõ hơn để khả năng, tính xây dựng chỉ dẫn địa lý để chỉ dẫn mang tính hiệu quả và bền vững.”

Những thay đổi trong sản xuất và những cách làm mới trong chế biến được người dân, doanh nghiệp đầu tư thực hiện sẽ góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo các yêu cầu sản phẩm cà phê. Đây sẽ là tiền đề để Gia Lai đẩy mạnh thị trường cho cây trồng tiềm năng của địa phương, đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu cà phê đến các nước trên thế giới.

Thúy Diện – Nhâm Dung – R’Piên – Duy Linh

Share:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *